Tín là căn bản của người tu hành pháp môn Tịnh độ.
Thứ nhất, phải tin rằng ba bộ kinh nói về Tịnh độ là do Ðức Thế-tôn vì lòng từ bi chân thật mà dạy cho chúng ta, quyết không phải như sách ngụ ngôn giả thiết để khuyến tu.
Thứ hai, phải tin rằng ngoài thế giới ô uế mà chúng ta hiện sống, chắc thật có thế giới Tịnh độ trang nghiêm.
Thứ ba, phải tin rằng 48 lời đại nguyện của Ðức Phật A-di-đà, cùng là những công hạnh kiến lập cõi Tịnh độ của Ngài là chân thật, cũng như việc Ngài hiện đang ứng hóa độ sanh tại cảnh giới Tịnh độ ấy là chân thật.
Thứ tư, phải tin rằng sanh Tịnh độ hay uế độ hoàn toàn do tự tâm ứng hiện, hễ trồng nhân tịnh thì được quả tịnh, trồng nhân uế thì được quả uế, tuyệt nhiên không liên quan gì đến vấn đề thưởng phạt.
Thứ năm, phải tin rằng chánh niệm của ta cùng tâm niệm của Ðức Phật A-di-đà chắc chắn cảm ứng với nhau, lâm chung thế nào cũng được Ngài tiếp dẫn vãng sanh.
Thứ sáu, phải tin rằng tuy ác nghiệp của chúng ta có nhiều, nhưng một khi đã sanh về Tịnh độ, nhờ có hoàn cảnh tốt đẹp thuận tiện, nhờ ơn giáo huấn thường xuyên của Phật và Bồ-tát, ác niệm không thể sanh khởi lại và ác báo do đó sẽ lần lần tiêu trừ.
Thứ bảy, phải tin rằng sức mình và sức Phật, cả hai đều bất khả tư nghị. Trong hai sức cùng bất khả tư nghị ấy, sức Phật lại bất khả tư nghị gấp trăm ngàn muôn ức lần hơn, cho nên một khi được tiếp dẫn, dù sức mình còn kém cỏi thì với sức Phật cũng đủ giúp ta vãng sanh.
Thứ tám, phải tin rằng khi mình niệm một câu Phật là tức thời Ðức Phật liền nghe và liền thâu nhiếp.
Thứ chín, phải tin rằng hễ mình niệm Phật thì chắc chắn lúc lâm chung được Phật và Thánh chúng đến tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực lạc, quyết không còn đọa lạc luân hồi trong sáu đường nữa.
Tóm lại, phải tin chắc rằng những lời Phật dạy trong kinh đều chân thật, cần phải thâm tín, tuyệt đối không nên sanh tâm ngờ vực. Lòng ngờ vực là chướng ngại vật không thể vượt qua trên con đường dẫn đến đạo quả. Có lòng ngờ vực rồi thì tất nhiên nguyện và hạnh sẽ không có cứ điểm để sanh khởi. Nếu lòng tin kiên cố, tự nhiên phát nguyện cầu sanh Cực lạc và đã phát tâm nguyện cầu tự nhiên chuyên tâm tinh tấn, y pháp hành trì, không đợi ngoại duyên thúc đẩy.
Hễ Tín đã vững chắc thì Nguyện và Hạnh tự nhiên thành tựu, khỏi cần phải nhắc nhủ, khuyến hóa.
– Hòa thượng Thích Hồng Đạo –
Trích đoạn: Tác phẩm “Pháp môn niệm Phật”